Nghề Tester Và Những Triển Vọng Trong Tương Lai
Cùng với sự phát triển của thời đại công nghệ thông tin, nghề Tester – kiểm thử phần mềm được xem là một trong số các vị trí cần thiết để hoàn thành bất cứ sản phẩm công nghệ nào. Dù không còn là công việc quá xa lạ nhưng tương lai nghề này sẽ như thế nào vẫn là đề tài còn khá mơ hồ với nhiều người. Cùng Tinasoft đi tìm hiểu thêm một số chi tiết về ngành nghề này cũng như nắm được phần nào xu hướng phát triển của nó trong tương lai.
Những điều cần biết về Tester và công việc của một Tester
Nghề Tester hay còn được biết đến là công việc kiểm thử phần mềm. Vai trò chính là sau khi sản phẩm phần mềm được hoàn thành, họ sẽ có vai trò kiểm tra lại toàn bộ hệ thống, ứng dụng, kịp thời phát hiện các lỗi (bug) còn xuất hiện trong phần mềm để báo devs fix trước khi bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Nhiệm vụ cực kỳ quan trọng vì họ sẽ là công đoạn cuối cùng đảm bảo chất lượng cho một phần mềm và suốt quá trình hoạt động của nó sau này. Với sự phát triển mạnh mẽ hiện nay của công nghệ và phần mềm, yêu cầu nhân lực với vị trí này vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Lực lượng lao động với vai trò là Tester nói riêng cũng như đội ngũ nhân lực IT của Việt Nam nói chung hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường (vẫn còn thiếu đến 30%). Do đó, thị phần công việc của vị trí này vẫn đang phát triển rất dồi dào, mở ra cơ hội rộng lớn cho bất cứ ai có đam mê với công việc kiểm thử phần mềm.
Công việc Testing hiện nay được chia thành 2 hướng chính là Manual Testing và Automation Testing.
- Manual Testing: là lựa chọn của hầu hết những ai vừa mới bắt đầu công việc kiểm thử phần mềm. Vị trí này không đòi hỏi quá nhiều kiến thức chuyên sâu về lập trình mà chỉ cần nắm vững các vấn đề về định nghĩa, có tư duy và năng lực tìm bug tốt cũng như vững vàng về kỹ thuật test manual.
- Automation Testing: Có xuất phát điểm khá khác so với Manual Testing, Automation testing thường là lựa chọn của các lập trình viên muốn chuyển hướng sang làm nghề này. Công việc chính của một Automation Tester là viết code để kiểm tra một cách tự động phần mềm và lặp đi lặp lại để phát hiện ra bug.
Kỹ năng cần có của Tester là gì?
Như các vị trí khác liên quan đến công nghệ thông tin, muốn trở thành một Tester, bạn sẽ cần phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu về các kiến thức lập trình nói chung cũng như luyện tập nhiều hơn để phát huy khả năng tư duy và phát hiện lỗi. Bên cạnh đó, để tìm hiểu và tiếp cận sớm được các kiến thức liên quan đến ngành nghề này, có khả năng đọc hiểu tài liệu tiếng Anh cũng là một yêu cầu khá cần thiết. Để trở thành một người làm nghề này giỏi và chuyên nghiệp, bạn cũng cần có khả năng phân tích và hiểu rõ ứng dụng cũng như công năng của từng phần mềm khác nhau. Ngoài ra, tính cách cẩn thận, tỉ mỉ và khả năng quan sát nhạy bén cũng là yếu tố khá quan trọng. Tầm nhìn và khả năng phán đoán với các xu hướng phát triển trong tương lai cũng là điều cần thiết.
Để làm Tester cần học những gì?
Để trở thành một Tester, bạn cần có những kiến thức cơ bản về lập trình và khoa học máy tính, nắm được các vấn đề liên quan đến phần mềm cũng như cài đặt phần mềm. Kiến thức nền tảng luôn là yếu tố cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn trở thành người chuyên nghiệp trong tương lai. Ba kiến thức căn bản được đánh giá là rất cần thiết gồm SQL, HTML và CSS. Những kiến thức này giúp bạn đọc hiểu code cũng như chỉnh sửa code đơn giản. Một phần chắc chắn không thể thiếu là các kiến thức tổng quan về kiểm thử phần mềm. Nội dung cần tìm hiểu liên quan đến các định nghĩa cơ bản, các thuật ngữ cũng như quy trình phát triển phần mềm và các giai đoạn kiểm thử phần mềm. Tìm hiểu tốt các vấn đề này sẽ giúp bạn nắm rõ những gì mình cần làm trong tương lai và có sự chuẩn bị tốt nhất.