Kiểm thử hiệu năng – Performance Testing là gì?
Kiểm thử hiệu năng là gì?
Kiểm thử hiệu năng hay Performance testing được định nghĩa là kỹ thuật kiểm thử nhằm xác định băng thông, khả năng xử lý, khả năng mở rộng hay nói chung là hiệu năng của hệ thống dưới khối lượng truy cập, khối lượng công việc xác định. Kết quả của kiểm thử hiệu năng được dùng nhằm phục vụ việc điều tra, đo lường, đánh giá hiệu năng thực của hệ thống.
Mục tiêu kiểm thử hiệu năng hướng đến nhằm tìm ra hiệu năng thực của hệ thống dưới các khối lượng truy cập khác nhau. Có thể chia mục tiêu của kiểm thử hiệu năng thành 3 mục tiêu chính:
- Đánh giá hiệu năng sản phẩm: dự đoán hay ước tính hiệu năng thực của sản phẩm
- Đánh giá hạ tầng triển khai: xác định ngưỡng hệ thống với hạ tầng triển khai hiện tại, xác định tài nguyên cần thiết để mở rộng hệ thống trong tương lai.
- Tìm ra vấn đề ảnh hưởng đến hệ thống và điều chỉnh hệ thống: thực hiện bài test và giám sát sản phẩm trong quá trình test, qua đó tìm ra vấn đề ảnh hưởng đến hệ thống và sửa đổi, cải thiện hiệu năng sản phẩm
Các loại kiểm thử hiệu năng
Load test
Load test là một loại kiểm thử hiệu năng giúp kiểm tra khả năng của ứng dụng thực hiện theo tải người dùng dự đoán. Kết quả của Load test là xác định mức độ tắc nghẽn hiệu suất trước khi ứng dụng được phát hành trong môi trường thực tế.
Stress test
Stress test mô phỏng hệ thống khi quá tải, xác định khả năng hoạt động, phục hồi, ngưỡng chịu đựng trước khi xảy ra sự cố của ứng dụng. Mục tiêu của Stress test chính là tìm ra ngưỡng đỉnh của hệ thống, tại đó nếu vượt ngưỡng đỉnh hệ thống sẽ xảy ra sự cố và không thể đáp ứng dịch vụ.
Volume test
Volume test giúp mô phỏng khả năng xử lý hệ thống đối với một lượng dữ liệu lớn. Mục tiêu Volume test hướng đến là đánh giá các vấn đề làm ảnh hưởng tới hiệu năng hệ thống khi phải xử lý lượng dữ liệu rất lớn.
Endurance test
Loại kiểm thử hiệu năng này giúp mô phỏng hệ thống hoạt động trong thời gian dài qua đó tìm ra các vấn đề về bộ nhớ, phân mảnh dữ liệu. Từ đó đảm bảo phần mềm có thể xử lý tải dự kiến trong thời gian dài.
Capacity test
Mục tiêu của phân loại kiểm thử hiệu năng Capacity test là xác định có bao nhiêu user hoặc bao nhiêu giao dịch, số lượng truy cập trên một đơn vị thời gian có thể đáp ứng các SLA – Service Level Agreement và hiệu năng của hệ thống.
Scalability test
Scalability test tiến hành thử nghiệm hướng đến khả năng mở rộng của ứng dụng, xác định hiệu quả khi mở rộng của ứng dụng để hỗ trợ tăng tải người dùng, hỗ trợ lập kế hoạch bổ sung dung lượng cho hệ thống.
Reliability test
Reliability test là một loại kiểm thử hiệu năng dùng để xác minh phần mềm có khả năng thực hiện một hoạt động không có lỗi trong một khoảng thời gian nhất định trong một môi trường được chỉ định. Nói cách khác đây là loại kiểm thử phần mềm giúp kiểm thử độ tin cậy của hệ thống đó.
Spike test
Spike test là loại phần mềm kiểm thử phản ứng của hệ thống khi tải thay đổi đột ngột. Đồng thời nó cũng kiểm tra khả năng phục hồi của hệ thống khi lượng truy cập giảm.
Như vậy, bài viết trên Tinasoft đã cung cấp một số thông tin về kiểm thử hiệu năng hay Performance Testing. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp các nhà quản trị, lập trình viên có một cái nhìn tổng thể về hiệu năng, ngưỡng chịu đựng và khả năng đáp ứng của sản phẩm, từ đó tối ưu, thiết kế các giải pháp backup phù hợp cho sản phẩm.